Thuật phong thủy dựa vào dòng chảy của khí để xét đoán một khu vực là tốt hay xấu. Do vậy, trong phong thủy nhà bếp yếu tố khí chiếm vị thế cực kỳ quan trọng cần phải lưu ý.
Khí trong phong thủy nhà bếp cần được luân chuyển
Cũng như những khu vực khác, khí trong nhà bếp cũng cần phải được luân chuyển thoải mái liên tục. Trong phong thủy nhà bếp cần tránh để cửa phòng bếp nằm trên cùng một đường thẳng với cửa chính dẫn ra ngoài nhà vì lúc đó khí sẽ lưu chuyển ra vào theo một đường thẳng tắp, không thể cuộn tròn để tụ khí.
Nếu chẳng may căn bếp của bạn vì một lý do nào đó rơi vào trường hợp trên thì bạn nên lập các rào cản vật chất cụ thể hoặc thuộc về tâm lý để làm chậm sự lưu chuyển của khí lại. Đơn giản nhất đó là đóng cửa bếp lại hoặc dùng những vật dụng nội thất, cây cảnh lớn để làm rào cản. Một số cách thường dùng khác như lục lạc, chao đèn và màu sắc để tạo ra các rào cản thuộc về hình ảnh và tâm lý.
Khí tắt nghẽn cũng không tốt cho phong thủy nhà bếp
Khí ồ ạt tạt qua làm nhà bếp không tụ khí được sẽ gây hại nhưng khí bị đọng lại không thể lưu chuyển cũng gây hại không kém cho phong thủy nhà bếp. Điều này rất dễ xảy ra nếu nhà bếp của bạn không có cửa sổ hoặc không thông thoáng và trong phòng có những góc tối, không tiếp cận được.
Một nguyên nhân phổ biến khác rất dễ dẫn đến dòng khí bị trì trệ đó là do bạn kê quá nhiều đồ đạc lên bếp khiến dòng khí bị chặn lại không lưu chuyển được. Những chồng báo cũ, thùng rác đầy tràn hay những thức ăn thừa vương vãi trên mặt bếp đều là những thứ làm cho dòng khí trì trệ.
Chúng ta có thói quen hay thích cất giữ vô số đồ trong căn bếp. Nào là chai lọ đã dùng hết, một món ăn chỉ dùng vào dịp đặc biệt để đãi khách cho đến một số các vật dụng rất lâu mới đụng đến cũng đều "lưu giữ" tại căn bếp. Quá nhiều đồ đạc như vậy sẽ làm cho dòng khí trong nhà bếp bị tắt nghẽn rất hại cho phong thủy. Vì vậy lâu lâu chúng ta nên chịu khó kiểm tra lại gian bếp nhà mình và bỏ đi những món đồ vô dụng.